Tư vấn sử dụng củ gai an thai

Ốm nghén và những điều cần biết về ốm nghén.


Nhìn chung, tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng ¾ phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ (trong đó khoảng một nửa thai phụ vừa nôn nao vừa bị ói mửa, ¼ chỉ cảm thấy buồn nôn). Thông thường cảm giác buồn nôn bắt đầu từ khoảng tuần thai thứ 6, nhưng cũng có thể bắt đầu sớm hơn ở tuần thai thứ 4 và có xu hướng nặng hơn vào tháng kế tiếp.

Một nửa số phụ nữ mang thai bị buồn nôn cảm thấy triệu chứng này khỏi hẳn sau 14 tuần. Số còn lại phải mất thêm khoảng một tháng nữa để cảm giác này giảm dần, mặc dù nó có thể quay lại, đến và đi trong suốt thai kỳ. Một tỉ lệ nhỏ phụ nữ ốm nghén liên tục cho tận đến khi sinh con.




Tuy phổ biến và “chỉ” kéo dài vài tháng nhưng không phải vì thế mà ốm nghén là chuyện có thể xem thường. Chỉ cảm giác nôn nao nhẹ thôi cũng đủ khiến bạn mệt đừ, và hết đợt chóng mặt này đến đợt ói mửa khác sẽ làm cho bạn kiệt sức và khổ sở. Vì vậy, hãy gặp bác sĩ để kể về những triệu chứng của mình, tìm cách điều trị.


1. Vì sao khi mang thai lại bị ốm nghén ?


Không ai biết chính xác vì sao khi mang thai lại bị ốm nghén, nhưng có lẽ đó là kết quả tổng hợp của nhiều thay đổi về mặt thể chất diễn ra trong cơ thể bạn, dưới tác động của:

- Hormone hCG. Hormone này tăng nhanh trong giai đoạn đầu thai kỳ. Không ai biết hCG góp phần vào chứng ốm nghén như thế nào nhưng nó vẫn bị cho là “nghi phạm” chính vì sự trùng hợp về thời gian: cảm giác nôn nao xuất hiện nhiều nhất khi hCG ở mức cao nhất. Hơn nữa, những thai phụ có mức hCG cao, chẳng hạn khi mang đa thai, có tỉ lệ ốm nghén cao hơn.

- Estrogen. Hormone này cũng tăng nhanh trong giai đoạn đầu thai kỳ và cũng rất đáng nghi. (Một số hormone khác cũng có thể có liên quan.)

- Nhạy cảm với mùi. Chuyện một phụ nữ mới mang thai ngửi được và cảm thấy khổ sở vì mùi thức ăn ở cách xa mình cả nửa cây số cũng chẳng phải là điều quá bất thường. Phụ nữ khi mang thai trở nên đặc biệt nhạy cảm với mùi và có một số mùi chỉ cần ngửi thôi đã thấy buồn nôn ngay. (Một số nhà nghiên cứu nghĩ, tuy rằng không chắc chắn, nguyên nhân là do lượng estrogen tăng cao.)- Dạ dày cũng nhạy cảm chẳng kém gì.Đường ruột của một số chị em trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi vào đầu thai kỳ. Một số nghiên cứu cũng cho rằng những phụ nữ có vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong dạ dày có khả năng bị cảm giác nôn nao và ói mửa nhiều hơn, tuy nhiên không phải tất cả các nghiên cứu đều khẳng định mối liên hệ này.

- Căng thẳng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có một số phụ nữ bị ốm nghén do tâm lý, như một cách phản ứng dị thường đối với sự căng thẳng. Tuy nhiên cũng không có bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết này. (Và tất nhiên nếu liên tục bị ói mửa thì chắc chắn bạn sẽ bị căng thẳng hơn rồi!)



2. Bạn cũng sẽ dễ có khả năng bị ốm nghén hơn nếu như:


- Bạn mang đa thai, do khi mang đa thai, lượng hCG, estrogen và các hormone khác trong cơ thể bạn đều sẽ cao hơn. Bạn cũng có khả năng bị ngén nặng hơn bình thường, tuy nhiên điều này không đúng 100%, có một số phụ nữ mang song thai lại ít hoặc hoàn toàn không bị ốm nghén;


- Bạn đã bị ốm nghén ở lần mang thai trước;


- Bạn có tiền sử bị phản ứng phụ là nôn ói khi uống thuốc ngừa thai, có thể do cơ thể bạn phản ứng với estrogen;


- Bạn bị say xe, say sóng;


- Gia đình bạn đã có lịch sử… bị nghén. Nếu mẹ và chị em của bạn bị ốm nghén nặng khi mang thai thì có khả năng bạn cũng sẽ bị như vậy;


- Bạn có tiền sử bị đau nửa đầu.


3. Mẹo giảm ốm nghén


70% phụ nữ trên thế giới này đều bị nghén khi mang thai, nguyên nhân là do lượng hoc-mon thai kỳ tăng nhanh. Thông thường, các triệu chứng bắt đầu lúc khoảng tuần thứ 6, cao điểm tại tuần thứ 10 sau đó giảm dần ở khoảng tuần thứ 14. Hầu hết các trường hợp đều ói và nôn nao vào buổi sáng. Dưới đây là một số mẹo đơn giản nhưng hiệu quả để đối phó với chứng ốm nghén:

Uống nước lọc hoặc trà loãng;
Ăn các loại thạch rau câu, trái cây đóng hộp;
Bánh mì khô, bánh quy giòn nhạt;
Chuối, táo là những thực phẩm tốt cho thai phụ;
Chia nhỏ bữa ăn ra mỗi ngày;
Uống nước trong khoảng 30 - 45 phút trước khi ăn bữa chính;
Tránh các mùi khó chịu (sử dụng mùi nước hoa xịt phòng yêu thích như bạc hà, chanh…);
Uống vitamin tổng hợp bổ sung dinh dưỡng;
Tập hít thở đều đặn và hưởng thụ một bầu không khí mát lành;
Vận động nhẹ nhàng, ngồi xuống, đứng lên từ từ;
Bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin B6.


4. Tín hiệu báo động 


Trong trường hợp hiếm hoi, ốm nghén có thể được kéo dài và nghiêm trọng, dẫn đến giảm cân và mất nước. Dưới đây là tín hiệu báo động đòi hỏi phải có một cuộc hẹn với bác sĩ:

Nôn khan hoặc nôn thức ăn suốt cả ngày không ngừng;
Sụt cân rõ rệt;
Đi tiểu ra máu;
Khát nước quá nhiều;
Tim đập nhanh;
Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu;
Ói ra máu.

Trong trường hợp như vậy, thai phụ sẽ được các bác sĩ yêu cầu tiêm tĩnh mạch (IV) hydrat hóa và theo dõi tại nhà.


Nước chanh, trà gừng... là những món có thể làm dịu cảm giác nôn ói

Nội tiết tố ß hCG - kẻ chủ mưu của những cơn ốm nghén - do nhau thai chế tiết ngay trong những tuần đầu sau thụ thai và kéo dài suốt khoảng 10 tuần đầu mang thai. Chính vì thế, thường thì sau 3 tháng là chị em có thể thấy những cơn nghén nhẹ dần và biến mất. Lúc đó, các mẹ tranh thủ bồi bổ cơ thế, “lấy lại những gì đã mất” và cung cấp đủ chất cho thai nhi phát triển.

Cũng vì cơ sở khoa học này, mà những kiểu “chữa ốm nghén bằng mẹo” đơn cử như: bước qua người chồng sẽ hết nghén… là không chính xác đâu. Có chị em bước qua người chồng cả chục lần mà ông chồng vẫn khỏe ro ro, chỉ có chị em nhà mình nghén vẫn hoàn nghén.

Để giảm cơn nôn ói khó chịu, chị em hãy thủ miếng gừng hay quả chanh bên người. Lúc nào nghe mùi “lạ” là bỏ chanh ra ngửi, hoặc pha nước uống. Trà gừng cũng có tác dụng giảm nôn ói. Bữa ăn các mẹ nên chia nhỏ, lúc nào cũng thủ sẵn vài món bánh hoặc lương khô, bánh mì. Bởi khi có bầu rất dễ đói, nhưng lại mau ngán, nên nhiều loại bánh sẽ giúp chị em có thêm nhiều lựa chọn.

Bạn cũng có thể xin ý kiến bác sĩ để được kê loại biệt dược giảm tình trạng nôn ói. Thực tế, ốm nghén là triệu chứng bình thường nhưng nếu kéo dài và nghén nặng sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả con và mẹ.


5. Làm sao để khỏe mạnh khi bị nghén


- Nghỉ ngơi đầy đủ.
Vào giai đoạn đầu thai kỳ, thường các mẹ cảm thấy khá mệt mỏi vì nhiều lý do, trong đó có nghén; và ngược lại, sự mệt mỏi cũng khiến cho tình trạng nôn nao nghén ói trở nên tệ hơn. Vậy nên hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể.

- Luôn có rau, trái cây tươi trong chế độ ăn của mình.
Nếu bạn khó nuốt được các loại thuốc bổ (quả thật có nhiều viên thuốc khá to, bình thường đã khó uống chứ chưa nói đến khi bạn thường trực trong tình trạng nhợn ói), hãy bảo đảm bạn vẫn tiếp nhận tất cả các loại vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua thực phẩm, rau tươi và trái cây mỗi ngày. Trong trường hợp khó nhai nuốt, bạn có thể xay hoặc ép nước để uống.

- Miếng ăn nào cũng đều phải tính.
Nếu bạn gặp khó khăn khi “đối mặt” với thức ăn, hãy bảo đảm rằng bất kể là thứ gì mà bạn cố gắng ăn được đều có giá trị dinh dưỡng. Hãy cân nhắc và suy nghĩ về những gì mình sẽ ăn vào, tránh những loại thực phẩm chẳng bổ béo gì, để chủ động giữ gìn sức khỏe của mình. Bạn có thể tham khảo trên những diễn đàn lớn nơi có nhiều mẹ mang thai để tìm hiểu kinh nghiệm ăn uống, những công thức chế biến món ăn phù hợp cho giai đoạn vất vả này.

- Nếu không thể ăn thì đừng ăn.
Bạn đừng lo vội! Sẽ có những lúc nào đó trong ngày (có thể chỉ ngắn ngủi 15-20 phút thôi) bạn hoàn toàn không cảm thấy buồn nôn buồn ói gì và bạn đói. Hãy chuẩn bị để ăn trong những khoảnh khắc hạnh phúc đó.

- Ăn ít và ăn thường xuyên.
Bị nôn ói khi đang đói thì khổ càng thêm khổ, vậy nên, dù nghe qua có vẻ kỳ quặc, không hợp lý, nhưng bạn hãy thử ăn từ từ thứ gì đó nhạt nhạt, dịu dịu để bớt buồn nôn, đủ để bạn có thể ăn uống đàng hoàng hơn.


- Uống nhiều nước.
Cơ thể thiếu nước luôn luôn là không tốt – kể cả khi bạn mang thai lẫn khi bình thường, vì vậy, hãy đảm bảo bạn uống đủ nước trong ngày. Luôn có một chai nước trong tầm tay để bạn có thể uống những ngụm nhỏ. Nhiều người bị nghén thậm chí uống nước vào cũng khó, mà khó nhất lại là loại nước tưởng như dễ uống nhất – là nước trắng ở nhiệt độ phòng; nếu bạn cũng bị như vậy thì hãy thử uống nước soda hay nước khoáng mát lạnh, hoặc làm sẵn nước chanh gừng cất trong tủ lạnh để uống dần. Ngoài ra cũng đừng uống nhiều nước cùng một lúc hoặc uống trong khi ăn, vì cả hai cách làm này đều có thể làm cho tình hình tệ hơn.

- Chăm sóc bản thân.
Bị nghén không phải là việc bạn tưởng tượng ra, hay muốn có là có mà muốn không là không. Đây là một tình trạng thực. Cách đối phó tốt nhất là bạn chủ động tử tế với bản thân và nhận sự giúp đỡ, động viên của những người xung quanh. Hãy tạm thời gác lại bớt một số trách nhiệm, làm tốt những gì bạn có thể làm tốt thay vì cứ cố gắng ôm đồm như trước để rồi rốt cuộc người ngày càng mệt mỏi và chẳng thể hoàn thành việc gì.


-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Previous
Next Post »

Bản đồ